(ĐTTCO) – Trao đổi với ĐTTC, TS. CẤN VĂN LỰC, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính – tiền tệ Quốc gia, Ủy viên Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Thái Bình Dương (VNCPEC), nhận xét:
“Cơ hội để Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI từ Mỹ không lúc nào rõ ràng và thuận lợi hơn lúc này, khi 2 bên đã có sự tin tưởng, nâng cấp quan hệ ngoại giao và có những cam kết cấp cao, cùng với đó là sự quan tâm đến Việt Nam từ các nhà đầu tư Mỹ. Vấn đề còn lại là Việt Nam cần có sự mạnh mẽ hơn trong việc thực thi chính sách đón “đại bàng”.
PHÓNG VIÊN: – Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) năm 2024 diễn ra tại Hà Nội, phía Mỹ đã tham dự với một đội ngũ khá hùng hậu của đại diện hơn 52 doanh nghiệp, trong số đó có những doanh nghiệp “đại bàng” với tầm cỡ quy mô quốc tế. Là người trực tiếp tham dự sự kiện, ông có thể cho biết mức độ họ quan tâm đến thị trường Việt Nam như thế nào?
TS. CẤN VĂN LỰC: – Tôi đã có dịp trao đổi cởi mở của đại diện đoàn doanh nghiệp Mỹ tham dự sự kiện VBF 2024. Trong đó có ông Ted Osius, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Hội đồng Kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC), cũng từng là Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, là người đã dẫn đoàn gồm 52 doanh nghiệp Mỹ sang Việt Nam dự sự kiện.
Tôi được phía doanh nghiệp Mỹ hỏi 3 câu hỏi, trong đó chủ yếu về triển vọng phục hồi thị trường nói riêng và kinh tế của Việt Nam trong năm nay nói chung. Chẳng hạn họ hỏi tôi mức độ cảm nhận thị trường hiện nay đối với kinh tế Việt Nam, bao gồm từ bất động sản đến chứng khoán… như thế nào?
Tôi trả lời đại diện các doanh nghiệp Mỹ, nếu như quý IV-2023 chỉ có 32% doanh nghiệp được khảo sát cho biết kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ tốt lên, đến quý I-2024 con số này đã tăng lên 40% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát, họ cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ khả quan hơn trong thời gian tới.
Cũng cần nói thêm, trong đoàn 52 doanh nghiệp Mỹ tham dự sự kiện VBF, có một doanh nghiệp rất quan trọng là Ngân hàng Xuất nhập khẩu Mỹ (US Eximbank). Ngân hàng này là của Chính phủ Mỹ, chuyên bảo lãnh cho hoạt động đầu tư và xuất nhập khẩu của doanh nghiệp Mỹ ra nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Thí dụ, vừa qua Vietnam Airlines mới mua máy bay từ hãng Boeing của Mỹ, nếu như không có bảo lãnh của Chính phủ Mỹ sẽ rất khó, nhưng nếu có sự tham gia của US Eximbank để thẩm định, bảo lãnh, thương vụ rất khả thi và nhanh chóng.
– Nhưng vì sao cho đến nay trong danh sách quốc gia, vùng lãnh thổ có vốn đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam lại vẫn không có tên doanh nghiệp Mỹ, thưa ông?
– Không chỉ chúng ta, mà ngay chính các doanh nghiệp Mỹ khi dự sự kiện VBF 2024 hôm ấy cũng hỏi tôi với vẻ bất ngờ về thông tin ấy. Họ thắc mắc tại sao trong danh sách những nước đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam lại không có Mỹ.
Khi trao đổi với ông Ted Osius, tôi nói rất hy vọng mỗi doanh nghiệp trong số 52 doanh nghiệp Mỹ tham dự sự kiện VBF 2024 ở Việt Nam lần này, sau khi về nước, chỉ cần mỗi doanh nghiệp Mỹ đầu tư vào Việt Nam từ khoảng 500 triệu USD đến 1 tỷ USD, Việt Nam sẽ có ngay lập tức 25-52 tỷ USD FDI đầu tư, và đây là con số vô cùng lớn và có ý nghĩa.
Tất nhiên với con số ấy, cũng ngay lập tức Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư FDI lớn nhất vào Việt Nam. Song để biến điều ấy thành hiện thực, cần có sự quyết tâm của cả 2 phía, trong đó từ phía Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư của mình sao cho thực sự hấp dẫn đối với doanh nghiệp Mỹ.
– Vậy ông đánh giá triển vọng dòng vốn đầu tư FDI đến từ Mỹ vào Việt Nam trong thời gian tới như thế nào?
– Tôi cho rằng triển vọng về dòng vốn đầu tư FDI từ các doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam vẫn khá tích cực, với 3 lý do chính. Thứ nhất, đó là quan hệ song phương Việt-Mỹ hiện nay đang rất tốt. Việt Nam và Mỹ đều đã chính thức nâng cấp mối quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện.
Thứ hai, triển vọng phục hồi tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam ở cả trước mắt cũng như trung và dài hạn, được các tổ chức quốc tế đánh giá tích cực, tăng trưởng kinh tế năm 2024 được đánh giá đạt ở mức khoảng 6-6,5%. Thứ ba, môi trường chính trị Việt Nam ổn định.
Thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn được Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm, cải thiện. Thí dụ, tuy Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu 15% như nhiều quốc gia khác, nhưng cũng sẽ có một gói chính sách riêng dành cho doanh nghiệp FDI nhằm hỗ trợ họ khi phải chịu tác động bởi dòng thuế này, và được các doanh nghiệp FDI rất kỳ vọng và đánh giá cao.
Bên cạnh 3 lý do trên, Việt Nam còn có những lợi thế khác như chi phí nhân công rẻ, tuy những năm gần đây có tăng nhưng ở mức độ vừa phải, doanh nghiệp FDI có thể chấp nhận được, thậm chí hấp dẫn hơn giá nhân công của Trung Quốc, Thái Lan và một số quốc gia khác trong khu vực. Thêm vào đó, Việt Nam tham gia ký kết rất nhiều các hiệp định thương mại tự do (FTA), là điều mà các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm, trong đó có nhà đầu tư Mỹ.
– Như trên ông đã nói, để thu hút được FDI chất lượng cao từ Mỹ, Việt Nam cần thực thi chính sách mạnh mẽ, vậy cụ thể là gì?
– Tôi cho rằng có 4 vấn đề Việt Nam cần giải quyết. Thứ nhất, đó là vấn đề liên quan đến thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý cho đầu tư kinh doanh. Nhà nước cần tập trung vào yếu tố thể chế, nhất là cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư – kinh doanh, trong đó phải thực hiện Nghị quyết 01 về cải thiện môi trường kinh doanh và tăng năng lực cạnh tranh. Nên chú trọng khâu chất lượng của thể chế và thực thi, thực hiện tốt những cam kết với nhà đầu tư nước ngoài khi mời họ vào.
Thứ hai, vấn đề cơ sở hạ tầng đòi hỏi phải đồng bộ đi kèm. Cơ sở hạ tầng đó là sự cải thiện nhiều hơn nữa về sân bay, cầu cảng, kho bãi, khu công nghiệp, khu chế xuất. Thứ ba, vấn đề về nguồn nhân lực chất lượng cao.
Cuối cùng, đó là phối hợp chính sách, sao cho có thể giải quyết nhanh chóng và hiệu quả các vấn đề còn đang tồn đọng. Tôi lấy đơn cử như tình trạng cán bộ sợ sai không dám làm, hay những thủ tục hành chính nhiêu khê, lòng vòng… là những thứ chúng ta cần phải giải quyết triệt để, quyết liệt hơn trong thời gian tới.
– Xin cảm ơn ông.
Nguồn: Hoàng Sơn – https://dttc.sggp.org.vn